"Bóng Ma trong nhà hát" - Ánh sáng của niềm tin yêu
Ngôn từ tan biến hết nhường chỗ cho âm nhạc, những lời ca mượt mà ngân lên trong tiếng nhạc đưa ta vào một thế giới thần bí của cảm xúc.
Lấy cảm hứng từ quyển tiểu thuyết có tên Le Fantôme de l"Opéra của nhà văn Pháp Gaston Leroux (xuất bản năm 1909) và được chuyển dịch sang tiếng Anh năm 1911 dưới tên The Phantom of the Opera, vở kịch hát (musical theatre) của Andrew Lloyd Webber (ALW) được biên soạn dựa trên những tình tiết chính để vẫn giữ lại được phần hồn của tác phẩm
Khác với tiểu thuyết nguyên bản, Webber không đi sâu vào khai thác bi kịch đời tư của Erik – Bóng ma mà tập trung vào một con ma khác, tồn tại sâu thẳm bên trong Erik - bóng ma ám ảnh của quá khứ, với nỗi cô đơn tuyệt đối, những đau đớn giằng xé và niềm khao khát một tình yêu, thậm chí chỉ cần là tình thương.
Một lần nhìn thấy Christine xinh đẹp (khi ấy chỉ là một cô gái hát đệm trong ca đoàn nhà hát lớn), Erik đã cảm thấy yêu nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bản thân Erik là một tài năng lớn về âm nhạc, cũng như sở hữu một giọng hát mê hoặc.
Bằng việc giúp Christine học cách phát huy giọng hát trong vắt vốn có của nàng, Erik hi vọng lòng biết ơn và tình yêu âm nhạc sẽ mang Christine đến gần mình hơn.
Nhưng Christine chỉ xem Erik như một “Thiên thần âm nhạc” đơn thuần, còn tình yêu của nàng lại hướng về người bạn thuở thiếu thời Raoul - chàng tử tước đẹp trai trẻ trung cũng dành cho nàng một tình yêu say đắm. Câu chuyện tình đầy đau khổ của họ đã bắt đầu như thế.
Là một concept hoàn hảo đến mức gần như không tì vết, âm nhạc trong vở Bóng ma nhà hát lớn khi hoành tráng đến mức gây cảm giác choáng ngợp, khi lại êm ái dịu dàng đến mức làm người nghe muốn tan chảy.
Ngập tràn cảm xúc nhưng lại được tính toán hợp lý trong từng phân đoạn, khi ngọt ngào lúc giận dữ, khi chậm rãi lúc dồn dập, lúc sâu lắng suy tư, khi náo nức rộn rã, lúc thê lương u ám khi lại vui tươi trong trẻo, Bóng ma nhà hát lớn phô diễn những thanh âm biến ảo huyền hoặc đến mức khó tin, cuốn người nghe theo mạch cảm xúc miên man không dứt như những đợt sóng tiếp nối nhau, đồng thời là minh chứng cho một trình độ biên soạn vào hàng bậc thầy.
Trong phạm vi của bài viết này, chỉ xin giới thiệu ba ca khúc nổi bật nhất trong vở diễn: The Phantom of the Opera, Music of the night và All I ask of you.
The Phantom of the Opera – ca khúc chủ đề của vở diễn, là một tác phẩm kinh điển và hoàn toàn có sức thuyết phục ngay cả khi đứng độc lập, và cho đến nay đã có rất nhiều phiên bản của bản nhạc này được các nghệ sĩ tài danh thể hiện lại.
Đoạn intro dồn dập huyền bí đưa người nghe hòa vào nỗi xúc động và hồi hộp của Christine khi cô đến với giọng hát bí mật đằng sau bức màn nhung. Và rồi chất giọng trong vắt như pha lê của Sarah Brightman – nữ diễn viên thủ diễn vai Christine vút cao:
In sleep he sang to me
In dreams he came
That voice which calls to me
And speaks my name
Vào thời điểm Webber biết đến tiểu thuyết Le Fantôme de l"Opéra thì ông vẫn đang bận rộn với tác phẩm Aspect of love nhưng 9 tháng sau đó, khi bắt gặp phiên bản tiếng Anh The Phantom of the Opera, ông đã hoàn toàn bị thuyết phục.
Với tất cả tâm trí, tài năng và lòng ưu ái, ông đã trau chuốt câu chuyện tình kinh điển ấy, đồng thời viết nên những giai điệu khó quên như thể đo ni đóng giày dành riêng cho chất giọng soprano của người vợ yêu dấu khi ấy– Sarah Brightman.
Không phụ công Webber đã kỳ vọng, chất giọng thiên thần của Sarah đã cho người nghe một hình dung sống động về Christine ngây thơ trong sáng, đến mức những người yêu quý tác phẩm văn học khi thưởng lãm có thể đồng ý rằng nếu nhân vật Bóng ma nhà hát lớn có tồn tại trong đời thực thì hẳn người ấy sẽ chọn Sarah sánh giọng trong bản hợp ca lạ thường
And do I dream again?
For now I find
The Phantom of the Opera is there
Inside my mind
Liệu em có mơ chăng, khi em phát hiện ra rằng Bóng ma nhà hát vẫn đang tồn tại nơi đây, trong chính tâm trí mình?
Bóng ma xuất hiện trong cái thực tế khắc nghiệt, nhưng hắn cố gắng làm cho nó trở nên hư ảo tựa một cơn mơ. Giọng của Sarah như pha chút mộng mị, thoảng nghi ngờ và chơi vơi phiêu lãng trong một không gian mở rộng mênh mang của âm nhạc.
Rồi Bóng ma (do Michael Crawford thủ vai) cất giọng. Chất giọng của một nghệ sĩ tài năng, cộng với những nỗi đau ẩn chứa và tình cảm đắm say, giằng xé giữa hi vọng và tuyệt vọng, khiến người xem ngẩn ngơ, và đều như Christine, người ta ngỡ như mình đang nghe giọng hát kia văng vẳng bên tai:
Sing once again with me
Our strange duet
My power over you
Grows stronger yet
And though you turn from me
To glance behind
The Phantom of the Opera is there
Inside your mind
Công chúa của ta, hãy hát lên đi, để giọng hai ta hoà vào nhau, một bản hợp ca lạ lẫm. Quyền lực của ta vây phủ lấy nàng, và dù nàng có trốn chạy vẫn không thể nào thoát khỏi ta. Bóng ma nhà hát lớn ngự trị ngay trong tâm tưởng của nàng đấy thôi!
Giọng Michael mạnh mẽ, đau đớn nhưng hân hoan. Phân vân trong niềm vui khi cùng tan vào nhau trong nghệ thuật, giằng xé giữa chiếm hữu và hi sinh, giữa việc dùng quyền lực trói buộc người mình yêu và trả tự do cho nàng, vì một tâm hồn không tự do thì chẳng thể nào cất lên giọng ca thiên thần được. Không rõ Phantom vừa hát vừa mỉm cười, hay vừa khóc? Có lẽ là một nụ cười đau đớn thì đúng hơn.
Christine tất nhiên đã nghe nhiều truyền thuyết đáng sợ về Bóng ma. Sarah thay Christine diễn đạt nỗi sợ hãi không che giấu:
Those who have seen your face
Draw back in fear
I am the mask you wear
Một thoáng run rẩy trong giọng hát thiên thần và còn hơi phảng phất nét trẻ con kia làm người nghe ngạc nhiên vì khả năng nhập vai rất trọn vẹn của Sarah, nhưng chính khi Phantom đem tất cả tình cảm phức tạp và tinh tế của mình vào giọng hát thì đó mới là một cú sốc thật sự. Thách thức, đe doạ nhưng ngấm ngầm sụp đổ: It"s me they hear.
Thế rồi âm nhạc như vỡ òa ra trong đoạn song ca của Bóng ma và Christine. Có thể nói, sự che chở tuyệt đối chỉ đến từ nơi có quyền lực tuyệt đối. Christine mong manh không chỉ có sự sợ hãi đối với Erik, chắc chắn thế.
Sarah hát như thể đang bị thôi miên, còn Michael Crawford hát với tất cả lòng tin và tình yêu khi cùng hoà nhịp trong những bản hợp xướng của hai người.
Your/my spirit and my/your voice
In one combined
The Phantom of the Opera is there
Inside my/your mind
Giọng hát và tâm hồn hoà làm một, điều đó không hẳn là không tưởng. Có lẽ không gì kết nối tâm hồn và tình cảm người ta tự nhiên hơn, bền bỉ hơn và sâu đậm hơn âm nhạc. Cả hai đã cùng hoà ca, tràn đầy tình cảm trong một phút xuất thần.
And in this labyrinth
Where night is blind
The Phantom of the Opera is there
Inside my/your my mind
Trong bóng đêm thăm thẳm vây phủ lấy mê cung tựa hồ cuộc tình không lối thoát ấy, chỉ còn giọng hát Michael ngân nga tựa hồ niềm thương không nỡ dứt “hãy hát vì ta, hỡi Thiên thần âm nhạc – sing, my angel of music” và giọng Sarah được đẩy lên đến note cao nhất mà cô từng đạt được trong đoạn kết của bản nhạc.
Điều còn lại sau khi mọi âm thanh đã hết ngân nga, đó mới là cái đích âm nhạc muốn chạm đến. Nếu là như thế thì quả thực The Phantom of the Opera đã rất thành công khi mà những ám ảnh không dứt vẫn còn đeo đuổi ta rất lâu sau khi bản nhạc kết thúc.
Âm nhạc của bóng đêm :Thập niên 70 thế kỷ 19, một nhà hát Opera lâu đời ở Paris đã trì trệ vì thiếu giọng soprano (giọng nữ cao) chính cho vở diễn. Christine - diễn viên múa kiêm hát bè được giới thiệu thay vào vị trí quan trọng đó. Chất nhạc bắt đầu xuất hiện cùng lời ca trong veo trong tâm sự của một cô gái trẻ: “hãy nghĩ đến em trìu mến thôi khi ta nói lời chia tay, hãy hứa rằng anh sẽ nhớ về em dù chỉ trong chốc lát…” (think of me, think of me fondly when we’ve said goodbye, remember me once in a while, please promise me you’ll try…- Think of me).
Christine không những đã thể hiện xuất thần giọng ca truyền cảm mà còn mang cả hồn âm nhạc đi vào giọng ca ấy, thổi bùng lên luồng không khí say mê nghệ thuật tưởng chừng đang lịm đi trong lòng người yêu nhạc kịch nơi đây.
Bí mật cũng hé mở sau đêm diễn huy hoàng của Christine. Người thầy - thiên thần âm nhạc vẫn đến từng đêm trong giấc mơ, dìu dắt linh hồn cô bay cao trong tiếng hát cũng chính là nhân vật mà mọi người khiếp sợ: Bóng Ma - nỗi ám ảnh bấy lâu trong nhà hát cùng những cái chết và tai nạn bất ngờ. Và rồi câu chuyện buồn về một “quỷ sứ chốn địa ngục” dám mơ tưởng đến thiên đàng cũng hé mở…
Bóng Ma đó từng là một đứa bé có gương mặt quái dị bị mẹ nó chối bỏ từ khi mới chào đời, phải mang trên mình bộ dạng một “con quái vật” để làm trò tiêu khiển cho kẻ khác. Cứ ngỡ cuộc đời mở ra cho nó lối đi sáng hơn khi ẩn náu trong nhà hát, thế nhưng, cũng từ đó mà bi kịch bắt đầu… Con đường sống nó lựa chọn là đi vào trong bóng đêm cùng chiếc mặt nạ, xa rời luôn cái gọi là “tình thương” của đồng loại con người.
Tài năng nghệ thuật, giọng hát mê hồn và những vở opera hay lớn dần theo sự mặc cảm, trưởng thành trong cái nhìn cay nghiệt với cuộc đời và với chính bản thân mình… Mỗi lời hát trong những vở nhạc kịch mà Bóng Ma sáng tác như từng sợi chỉ nhỏ lúc quyện vào nhau thiết tha da diết, lúc tách rời buông tiếng thanh thoát trong veo. Đó chính là tâm trạng của một con người đa cảm: có khi tinh khôi, có khi căm hờn và có lúc đầy khát khao yêu thương.
Khi Bóng Ma đưa Christine đến nơi ngự trị của đêm tối có lẽ là lúc âm nhạc được thể hiện tinh tế nhất. Trong thế giới hun hút đầy ma lực ấy, tiếng nhạc khẽ chạm vào mạch cảm xúc bằng mỗi lời ca và từng gia điệu. Nó nhẹ nhàng đi vào tư duy khiến ta như muốn tìm ra đâu là sự đau đớn, đâu là niềm đam mê; đâu là tình yêu và đâu là hờn ghen chua chát.
Tiếng hát gọi mời đầy quyền uy mà cũng thật tha thiết: “linh hồn ta đã hoà vào tiếng hát của em…, trong mê cung của bóng đêm mù loà, chỉ có ta - Bóng Ma của nhà hát đang ngự trị trong tâm hồn em, hãy hát lên hỡi thiên thần âm nhạc của ta…” (my spirit touch your voice in one combined …, and in this labyrinth where night is blind, the Phantom of the opera is there inside your mind, sing, my angel of music…- The Phantom of the opera). Lúc này bóng đêm bỗng trở nên hiền hoà, nó không nuốt chửng con người nữa mà dẫn dắt ta vào những giấc mơ…
Nếu lời nói có thể chuyển tải tâm trạng và suy nghĩ, thì tiếng hát sẽ càng làm cho cảm xúc bay xa, nhẹ nhàng mà sâu sắc hơn. Bóng Ma cất giọng hát trong nhấc bổng tâm hồn thiên thần Christine: “hãy nhắm mắt lại và để tâm hồn em bay bổng, em sẽ sống như chưa từng được sống như thế…” (Close your eyes, let your spirit start to soar, and you'll live as you've never lived before…- The music of the night). Rồi như trầm xuống miên man đưa Christine vào sâu hơn trong thế giới mới ấy: “nhẹ nhàng và tinh tế, âm nhạc sẽ mơn trớn từng cảm giác của em/ em hãy nghe, hãy đón nhận và tận hưởng những cảm giác đó…” (Softly, deftly, music shall caress you/ hear it, feel it, secretly possess you... - The music of the night).
Và cuối cùng lại cất cao tiếng hát mê hồn đưa cô gái trẻ đến vô cùng cực của thế giới âm nhạc: “hãy mở rộng lòng mình ra để trí tưởng tượng bay xa thoả thích trong bóng đêm mà em sẽ không thể chối từ - đó chính là bóng đêm của âm nhạc…” (Open up your mind, let your fantasies unwind In this darkness which you know you cannot fight, the darkness of the music of the night…- The music of the night)
Một thông điệp xúc động :Với ánh mắt nửa hận thù nửa như van xin, khẩn khoản, Bóng Ma đến với Christine bằng cả sự si mê và tôn thờ. Nỗi khát khao được làm một con người chân chính bùng sôi cháy bỏng trong niềm ao ước lớn lao: tình yêu. Không đáp trả bằng thứ tình cảm ấy, nhưng chính sự công nhận của Christine về “con người” trong Bóng Ma đã cứu rỗi linh hồn bị dày xéo đọa đày, hướng bóng ma đi về phía có ánh sáng của niềm tin yêu con người…
Chỉ bằng những giai điệu, Bóng Ma trong nhà hát đi sâu vào lòng người. Âm nhạc là dòng suối trong nuôi dưỡng linh hồn một con người mặc cảm - Bóng Ma và đã dẫn lối cho người đó đến với tình yêu, với niềm tin được thoát khỏi tấn bi kịch đời mình. Cũng bởi âm nhạc đó, Christine trao trọn sự say mê và lòng ngưỡng mộ của cô. Thế mới biết, âm nhạc khơi nguồn sự sống, còn tình yêu là khát khao sống mãnh liệt. Ở đâu đó trong ma lực mù quáng của tiếng nhạc, sợi dây nối kết hai tâm hồn là hy vọng và ước mong được sống tốt hơn, vươn đến cái đẹp thật sự của cuộc đời này.
- Trích dẫn :
- Trong tiểu thuyết Bóng ma nhà hát lớn, Christine - cô ca sĩ xinh đẹp ngây thơ được con ma nhà hát lớn đem lòng si mê và truyền dạy cho cô chất giọng tuyệt vời.
Bóng ma khốn khổ kia thật ra là một nghệ sĩ tài hoa lỗi lạc vì bị ganh ghét, vì những âm mưu ác độc của con người mà gương mặt bị huỷ hoại. Một kẻ bất hạnh từ khi sinh ra với gương mặt xấu xí đến kinh tởm, ngay cả mẹ ruột mình cũng ko muốn nhìn đến, lúc nào cũng buộc hắn phải mang chiếc mặt nạ.
Lớn lên, với tài năng thiên bẩm, hắn tạo nên một công trình kiến trúc vĩ đại cho một vị quốc vương, để rồi chính vị quốc vương kia ra lệnh giết hắn.
Lí do đơn giản: Ngài không muốn ai khác sở hữu một công trình thứ hai như thế. Erik - kẻ xấu số kia thoát chết nhưng bộ mặt bị tàn phá đến mức không nhận ra.
Thách thức số phận tàn nhẫn, bằng tài năng và lòng thù hận, Erik xây dựng cho mình một vương quốc cô đơn dưới nhà hát lớn Paris. Quyền lực của hắn không ai dám nghi ngờ, bởi những kẻ nghi ngờ đều phải chết. Đến và đi như một bóng ma, với những mệnh lệnh ko ai dám cưỡng lại, Erik đã trở thành Bóng ma huyền thoại – Phantom of the Opera.
Samy đã từng xem tiểu thuyết này và thấy nó rất hay cũng như cảm động ( xém khóc luôn
). Nếu ai say mê những tiểu thuyết thì các bạn hãy nên đọc " The Phantom of the opera " một lần . Chắc chắn các bạn sẽ cảm động về chuyện tình của Erik , Christine và Raoul .
- Trích dẫn :
- http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=GOTSNtKbiZ
Ca khúc: THE PHANTOM OF THE OPERA
Kịch hát: The Phantom of the Opera
Sáng tác: Andrew Lloyd Webber
Thể hiện: Sarah Brightman & Michael Crawford ( Christine và Erik )