Các bác sĩ ở Berlin đã vừa tuyên bố thành công trong việc chữa trị cho một bệnh nhân Mỹ khỏi tình trạng nhiễm virus HIV và bệnh máu trắng thông qua liệu pháp ghép tủy.
Tuy đây là một thành tích hết sức đáng mừng nhưng nhiều chuyên gia y tế đã tỏ ý nghi ngờ khả năng ngày nào đó liệu pháp này sẽ trở thành phương thức chữa bệnh phổ biến.
Hết sạch HIV sau khi ghép tủy
Ông Timothy Brown, 44 tuổi, người Mỹ, đã từng mắc bệnh máu trắng và trong cơ thể có chứa virus HIV, vốn có thể phát triển thành bệnh AIDS.
Năm 2007, ông tìm tới Berlin, Đức, để thử nghiệm một phương thức chữa trị mới toanh, bằng liệu pháp tế bào gốc để chống lại bệnh máu trắng. Tuy nhiên tiến sĩ Gero Huetter và cộng sự ở Đại học Y Charite, đã quyết định nhân cơ hội để giúp Brown chống luôn cả virus HIV.
Nhân loại đã có thể chữa khỏi bệnh cho người mắc HIV nhưng liệu pháp đó lại chưa thể được phổ biến
Họ sử dụng liệu pháp ghép tủy, trong đó phần tủy sống bệnh tật của Brown được nạo sạch, các tế bào máu trắng cũng được lấy ra khỏi cơ thể. Tiếp đó các nhà khoa học ghép cho ông tủy sống của một người hiến tặng vốn có khả năng miễn nhiễm tự nhiên với virus HIV. Người hiến tặng mang trong mình một loại gene đột biến có tên Delta 32. Gene này ngăn chặn protein CCR5 xuất hiện trên bề mặt của tế bào. Các protein trên vốn là cánh cửa không khóa để virus HIV đi vào tế bào và việc loại bỏ chúng đã khiến tế bào được bảo vệ.
Sau khi được ghép tủy, Brown đã ngừng uống các loại thuốc kháng virus vốn giúp ức chế sự phát triển của HIV. Hồi tháng 2 năm ngoái, các nhà khoa học Đức hoan hỉ thông báo trên Tuần báo Y học New England rằng các virus HIV đã không xuất hiện trở lại trong cơ thể Brown trong 20 tháng đầu tiên sau ca cấy ghép. Họ nghi ngờ rằng virus HIV có thể đang ẩn náu ở góc nào đó trong cơ thể ông. Nhưng tuần này, họ đã thông báo tin mới trên tuần báo Blood rằng Brown vẫn có sức khỏe hết sức bình thường và cơ thể ông đã sạch bóng HIV. “Các kết quả xét nghiệm của chúng tôi cho thấy việc chữa khỏi HIV đã thành công trên bệnh nhân này” - ông Thomas Schneider ở bệnh viện Charite nói trên tờ Blood.
Một kết quả “đáng khích lệ”
Kể từ khi virus HIV và bệnh AIDS được phát hiện tới nay, người nào nhiễm phải nó thường được xem như đã lãnh án tử hình. Quan niệm này chỉ giảm bớt vào giữa những năm 1990, khi người ta có thể chế ngự sự phát triển của virus HIV nguy hiểm bằng các loại thuốc kháng virus cực mạnh. Song chưa ai có thể đẩy HIV biến khỏi cơ thể bệnh nhân.
Vì thế trường hợp bệnh nhân người Mỹ được chữa trị và không còn mang HIV trong người đã thu hút sự chú ý rất lớn của giới nghiên cứu. “Chữa khỏi là một từ khá mạnh bạo. Nhưng trường hợp này rất đáng kích lệ” - Tiến sĩ David Scadden, đồng Giám đốc Viện nghiên cứu Tế bào gốc của Đại học Harvard, Mỹ, đánh giá - “Các kiểm tra từ mọi hướng đều cho thấy không còn virus HIV cư ngụ trên cơ thể. Đây là một kết cục tốt mà một người chỉ có thể hy vọng họ có được may mắn như thế”.
Cùng chung quan điểm, giáo sư Basil Donovan chuyên về sức khỏe sinh sản ở Đại học New South Wales, Australia, nhận xét: “Đó là tin khiến ai cũng bất ngờ. Việc loại bỏ HIV khỏi máu rất dễ dàng nhưng người ta không thể “nạo vét” HIV ở nội tạng và trong não bộ. Quan điểm chung của cộng đồng y học là dù chúng ta chế áp HIV mạnh tới đâu, chúng vẫn có thể tìm được một góc khuất trong cơ thể và ẩn náu tại đó. Liệu pháp này đã mang tới cơ hội xóa sạch hang ổ cuối cùng của virus HIV và chúng ta biết rằng khả năng này là hoàn toàn có thể”.
Chưa thể phổ biến vì thiếu thực tế
Trong khi không phủ nhận được tầm quan trọng và sự ấn tượng mà thử nghiệm của các nhà khoa học Đức mang lại, người ta vẫn cho rằng phương pháp của họ chứa quá nhiều rủi ro và rất khó áp dụng đại trà.
Tiến sĩ Robert Gallo ở Viện nghiên cứu Virus tại Đại học Maryland cho biết riêng việc hủy bỏ tủy sống và loại hết bạch cầu của bệnh nhân đã là một quy trình rất khó khăn và nguy hiểm do họ sẽ mất hoàn toàn hệ miễn nhiễm. Đó là chưa kể tới việc bệnh nhân phải được ghép với tủy sống của người có hệ miễn nhiễm và nhóm máu gần giống với họ. Bệnh nhân cũng phải chờ đợi trong nhiều tháng để cơ thể phục hồi và chờ cho tủy sống mới phát triển, tái tổ chức hệ miễn nhiễm trong cơ thể họ.
“Giải pháp này không thực tế và nó có thể giết chết người ta” - ông Gallo nói và cho biết khoảng 30% bệnh nhân ghép tủy có khả năng sẽ mất mạng.
Còn theo giáo sư Donovan thì đây là “một liệu pháp ngăn chặn HIV cao cấp và vô cùng đắt đỏ, chỉ có thể sử dụng được với những bệnh nhân vừa bị máu trắng, vừa bị HIV”. Chung quan điểm, tiến sĩ Margaret Fischl, một nhà nghiên cứu hàng đầu về AIDS ở Đại học Miami nhận xét: “Đây là một trường hợp rất đáng quan tâm. Nhưng liệu chúng ta có thể dùng liệu pháp này để chữa trị cho một bệnh nhân mang HIV? Câu trả lời là không”.
Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng tin rằng thế giới sẽ còn phải mất nhiều năm nghiên cứu trước khi có thể đưa phương pháp chữa trị của các nhà khoa học Đức vào áp dụng đại trà, hoặc sẽ phải tìm một lối đi khác ít rủi ro hơn trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.