1. Năm không mùa hèCho đến nay, đây là hiện tượng thời tiết xảy ra duy nhất một lần trong lịch sử nhân loại. Năm 1816, trên toàn khu vực châu Âu, châu Mĩ, châu Á, tất cả đã phải trải qua một năm kinh hoàng mà người ta gọi là “năm không mùa hè”.
Do sự phun trào của núi lửa Tambora ở Indonesia - 1 trong 10 núi lửa hung dữ nhất khiến cho nhiệt độ giảm đột ngột, tuyết rơi, băng giá bao phủ khắp mọi nơi vào giữa tháng 7 và tháng 8.
Tại châu Âu, đó được coi là một thảm họa: cây trồng chết, thiếu lương thực, bạo loạn nổ ra khắp nơi. Ước tính có hơn 200.000 người chết ở Thụy Sĩ. Tại khu vực Đông Nam Á, một nền văn minh nhỏ là vương quốc Tambora cũng vĩnh viễn biến mất vì nguyên nhân trên.
Sau này, các nhà khoa học lí giải về hiện tượng thời tiết trên như sau: sự phun trào lớn của núi lửa Tambora đã giải phóng một lượng lớn bụi núi lửa vào trong bầu khí quyển. Lượng bụi này làm tăng khả năng phản xạ nhiệt từ Mặt trời chiếu xuống, kết quả dễ thấy là sự hạ nhiệt độ một cách đột ngột, kéo theo những hệ lụy chúng ta thấy.
2. Mưa cầu vồngNgười ta thường nói cầu vồng chỉ xuất hiện sau cơn mưa và sẽ mang lại nhiều màu sắc cho cuộc sống, thế nhưng trong thực tế tồn tại cả những cơn “mưa cầu vồng”. Đây là cách gọi ví von cho những trận mưa mà trong đó, nước mưa có màu sắc lạ thường, không hề trong suốt như ta tưởng. Trên thế giới, người ta đã ghi nhận có những trận mưa màu vàng, xanh lá cây, đen, thậm chí là cả màu máu.
Điển hình như năm 2001, tại khu vực Kerala của Ấn Độ, trong suốt 1tháng, cư dân nơi đây được tận hưởng những trận “mưa máu”. Ban đầu, nhiều người lo sợ đây là hành động khiêu khích của người ngoài hành tinh nhưng sau này, các chuyên gia đã lí giải rằng, đó là vì trong nước mưa có sự hiện diện của vi sinh vật.
Vào ngày 5/7 vừa qua, tại thành phố Kannur, bang Kerala, Ấn Độ cũng xuất hiện một cơn mưa đỏ như máu kéo dài trong 15 phút. Ông M Santhosh, Giám đốc Cơ quan Khí tượng bang Kerala giải thích, màu đỏ của nước mưa là hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí. Những chất gây ô nhiễm bị hòa tan trong nước mưa khiến nước chuyển sang màu đỏ.
Một trường hợp khác là vào mùa đông năm 2007 ở Siberia, người dân đã được chứng kiến những trận tuyết rơi có màu vàng - cam đặc biệt. Lạ hơn, những bông tuyết còn có mùi dầu nữa. Người ta cho rằng, nguyên nhân là do sự ô nhiễm công nghiệp quá mức ở nơi đây. Song vào phút chót, các nhà chức trách giải thích, sự thật là do ảnh hưởng của trận bão cát ở Kazakhstan đã nhuốm màu tuyết chứ không phải vì ô nhiễm môi trường.
3. Tuyết rơi giữa châu PhiNằm ở châu lục nóng nhất thế giới, vậy mà hôm 7 - 8/8 vừa qua, tại thành phố Johannesburg (Nam Phi), một hiện tượng thiên nhiên kì thú đã diễn ra - tuyết rơi. Tuyết bắt đầu xuất hiện vào buổi sáng và mưa dông tiếp diễn cả ngày sau đó. Một số người dân cho biết, đó là lần đầu tiên trong đời họ nhìn thấy tuyết.
Tuyết xuất hiện từ phía Nam thành phố và nhanh chóng phủ kín cả trung tâm. Nhiều người dân thích thú tới mức trải nghiệm ngay cảm giác trượt tuyết nhân dịp này. Theo cơ quan thời tiết Nam Phi, trong vòng 103 năm, chỉ có duy nhất 22 ngày điều này xảy ra tại nơi đây.
Các nhà khoa học vẫn đang đi tìm nguyên nhân lí giải cho hiện tượng này, song phần đông đều ủng hộ ý kiến, đây chính là một biểu hiện phức tạp của sự nóng lên toàn cầu.
Sự kiện trên gợi nhắc cho chúng ta về ngày 18/2/1979 khi con người chứng kiến tuyết rơi giữa sa mạc Sahara. Cơn bão tuyết kéo dài trong nửa giờ đã gây ra tuyết rơi ngay tại những khu vực có địa hình thấp Nam Algeria. Mặc dù đã tan đi nhanh chóng nhưng nó cũng đủ khiến giao thông khu vực tê liệt trong một khoảng thời gian nhất định.
Nguồn: kenh14