Trang phục truyền thống Hàn Quốc (Hanbok) được khởi nguồn ít nhất là từ giai đoạn Tam Quốc (ba đất nước, gồm Silla, Goguryeo và Baekje) (Năm 57 trước Công nguyên - năm 668 sau Công nguyên). Điều này được chứng thực qua các bức họa trên tường những ngôi mộ xây dựng vào thời đó. Hanbok Hàn Quốc đại diện cho một trong những nét điển hình nhất trong văn hóa xứ Hàn.
Phần áo bên trên được gọi là jeogori, có hình dáng tương tự như chiếc áo cánh của phụ nữ, với tay áo dài (hanbok của đàn ông thì sẽ dài hơn), còn áo chỉ dài đến ngang eo. Phụ nữ mặc váy (gọi là chima) trong khi đàn ông mặc ống rộng (paji). Vào thời xưa, người dân bình thường mặc hanbok màu trắng, ngoại trừ những dịp lễ tết đặc biệt như đám cưới. Trang phục cho tầng lớp thượng lưu thường có màu sáng và biểu thị cho địa vị xã hội của người mặc. Bên cạnh đó là rất nhiều những phụ kiện kèm theo như tất, trang sức và một vài vật dụng trang điểm cho tóc hay trâm cài đầu, khiến bộ trang phục truyền thống trở nên thực sự hoàn thiện.
Chất liệu vải
Trang phục và các phụ kiện kèm theo được làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Ở Hàn Quốc, có những vùng khác nhau nổi tiếng về loại vải riêng của mình. Hansan, ở phía Nam tỉnh Ch'ungch'ong, đã dệt nên loại vải gai trắng nổi tiếng đến mức đã được tiến cống sang nhà Đường trong suốt thời Korkyo (918-1392). Vải làm bằng sợi gai dầu ở tỉnh Andong cũng từng rất được ưa chuộng bởi tầng lớp thượng lưu. Chất liệu vải và kỹ thuật sản xuất phản ảnh rất rõ nét văn hóa và xã hội Hàn Quốc.
Chất vải
Do Hàn Quốc có nhiều loại hình thời tiết nên trang phục của người dân xứ Hàn được làm từ cả dây gai dầu, sợi gai, cotton, muslin, lụa và sa-tanh. Thời tiết mát mẻ hơn cần có chất vải dày hơn, những người ở miền Bắc thì áo thường có cả lông nữa. Trong khi đó, trang phục mùa hè dùng những chất liệu mỏng hơn để gió có thể lùa vào làm mát cơ thể. Vào mùa thu, ất nhiều phụ nữ sẽ mặc quần áo làm từ lụa tơ, bởi khi đi lại, nó tạo nên tiếng động xào xạc tựa như họ đang bước trên lá khô vậy.
Màu sắc
Màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết, toàn vẹn và trinh nguyên và là màu phổ biến nhất cho trang phục của thường dân. Những người ở tầng lớp thượng lưu hay triều đình thì bên cạnh màu trắng, họ còn mặc những bộ trang phục có màu đỏ, vàng, xanh nước biển hoặc đen. Những màu sắc này tượng trưng cho Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Thuốc nhuộm được chiết xuất từ những vật liệu có sẵn trong thiên nhiên như hoa hoặc vỏ cây.
Đồ khâu và thêu
Vào thời xưa, khả năng thêu thùa và may vá của một người phụ nữ thường được ngầm định dùng để đánh giá sự cống hiến và chăm lo cho gia đình của cô ấy. Norigae, một dạng dây trang sức làm từ chỉ thêu nhiều màu, (có thể đính thêm vào một miếng ngọc bội v.v...) đã trở thành một sở thích khá phổ biến của những người phụ nữ đã kết hôn hoặc chưa kết hôn trong hàng năm trời.
Trang phục dành cho trẻ em
Quần áo hàng ngày dành cho trẻ em được thiết kế sao cho đủ độ ấm cho đứa trẻ. Các gia đình thời xưa thường mặc cho con cái những bộ quần áo sáng màu, với đôi tất may chần trong ngày lễ sinh nhật đầu tiên của chúng, điều vẫn kéo dài cho đến ngày nay.
Một bộ trang phục dành cho trẻ em được 1 năm tuổi gồm có cheonbok (một chiếc áo vest dài màu xanh nước biển), mặc trùm qua chiếc durumangi và bokkeon (chiếc mũ màu đen gắn đuôi dài). Những từ ngữ và biểu tượng liên quan đến trẻ em được thêu lên vải. Ban đầu, các loại trang phục như vậy chỉ để dành cho con trai của những nhà thuộc tầng lớp thượng lưu. Sau đó, phong tục và trang phục này đã được phổ biến rộng rãi ra cả các tầng lớp khác nữa, kể cả con gái cũng được mặc, nhưng là một kiểu trang phục khác.
Một số hình ảnh: